Bài viết sau đây được Tài liệu nghiên cứu giới thiệu về Cơ sở lý luận về dịch vu tiền gửi tiết kiệm khách hàng cá nhân của ngân hàng thương mại

Khái niệm về tiền gửi tiết kiệm
Khái niệm về tiền gửi tiết kiệm

1 Khái niệm về tiền gửi tiết kiệm

Tiền gửi được coi là tiền mà ngân hàng nhận được của khách hàng bất luận dưới danh từ nào, dù phải trả lãi hay không trả lãi, với quyền sử dụng tiền đó cho hoạt động kinh doanh của mình và với bổn phận làm nghiệp vụ ngân quỹ cho người ký gửi, nhất là phải trả trong giới hạn số tiền nhận được, tất cả những lệnh phải trả tiền của người gửi bằng séc, lệnh chuyển khoản, thư tín dụng… hay bất cứ bằng cách nào khác; cũng thu nhập vào khoản tiền gửi mọi số tiền mà ngân hàng thu hộ cho người gửi (Nguyễn Thị Mùi, Nguyễn Minh Kiều, Phan Thị Cúc và Nguyễn Đăng Dờn, 2016).

Ngoài ra, theo Rose (2004), tiền gửi là số tiền của khách hàng gửi tại tổ chức tín dụng dưới các hình thức khác nhau, như tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm và các hình thức tiền gửi khác. Tiền gửi được hưởng lãi hoặc không hưởng lãi và phải được hoàn trả cho khách hàng.

Theo Luật các tổ chức tín dụng năm 2010- Luật số: 47/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010: Ngân hàng là loại hình TCTD có thể được thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng theo quy định, đó là: nhận tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm và các loại tiền gửi khác; phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu để huy động vốn trong nước và nước ngoài; cấp tín dụng; mở tài khoản thanh toán cho khách hàng; cung ứng các phương tiện và dịch vụ thanh toán (Quốc hội, 2010).

Tác giả Trần Huy Hoàng (2012) định nghĩa tiền gửi tiết kiệm là tiền gửi của các tầng lớp dân cư, người gửi tiền gửi vào ngân hàng nhằm mục đích để dành, sinh lời và an toàn tài sản.

Thông tư quy định về tiền gửi tiết kiệm – Thông tư 48/2018/TT-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2018 đã định nghĩa “Tiền gửi tiết kiệm là khoản tiền được người gửi tiền gửi tại tổ chức tín dụng theo nguyên tắc được hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi theo thỏa thuận với tổ chức tín dụng” (Ngân hàng nhà nước, 2018).

Từ cơ sở lý thuyết về tiền gửi tiết kiệm, tác giả nhận thấy tiền gửi tiết kiệm là hình thức mà các khách hàng cá nhân, hộ gia đình lựa chọn để gửi một số tiền vào một ngân hàng bất kỳ trong một khoảng thời gian nhất định, với mục đích là hưởng lãi suất theo mức quy định của ngân hàng đó. Ngoài mục tiêu sinh lời của các khoản tiền gửi tiết kiệm, khách hàng còn hướng đến việc đảm bảo an toàn cho các khoản tiền nhàn rỗi của họ.

2 Phân loại tiền gửi tiết kiệm

Căn cứ theo các tiêu chí khác nhau, tiền gửi tiết kiệm sẽ được phân loại như sau: căn cứ vào thời hạn gửi tiền (Tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn và Tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn); căn cứ vào loại tiền (Tiền gửi tiết kiệm bằng đồng Việt Nam và Tiền gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ) (Ngân hàng nhà nước, 2018).

2.1  Căn cứ vào thời hạn gửi tiền

Phân loại theo thời hạn gửi tiền, tiền gửi tiết kiệm được chia thành tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn. Thời hạn gửi tiền cụ thể do tổ chức tín dụng xác định (Mục 1 – Điều 6, Thông tư 48/2018/TT-NHNN); Hoặc tiêu chí khác do TCTD xác định. Theo đó:

 Tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn: là loại hình mà khách hàng gửi chỉ có thể rút tiền sau một kỳ hạn gửi nhất định theo thỏa thuận với ngân hàng. Thông tư 48 quy định TCTD sẽ quy định lãi suất tiền gửi tiết kiệm phù hợp với quy định của NHNN về lãi suất trong từng thời kỳ. Theo đó, theo mục 3 – Điều 9 của Thông tư Số: 48/2018/TT- NHNN, phương thức trả lãi tiền gửi tiết kiệm thực hiện theo thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và người gửi tiền (Thông tư Số: 48/2018/TT-NHNN).

 Tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn: Người gửi có thể rút tiền theo nhu cầu mà không cần phải báo trước với ngân hàng. Lãi suất tiết kiệm cho loại hình này thường được tính theo số ngày thực gửi. Tuy nhiên phần lãi suất này thường thấp hơn hình thức gửi tiết kiệm có kỳ hạn. Nói cách khác tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn là loại tiền gửi KH có thể rút ra bất kỳ lúc nào không cần thông báo trước cho ngân hàng.

2.2  Căn cứ vào loại tiền

Điều 10 của Thông tư Số: 48/2018/TT-NHNN phân chia tiền gửi tiết kiệm theo loại tiền thành tiền gửi tiết kiệm bằng đồng Việt Nam và tiền gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ.

 Đối với tiền gửi tiết kiệm bằng đồng Việt Nam của công dân Việt Nam là người cư trú, người gửi tiền và tổ chức tín dụng được thỏa thuận việc chi trả gốc, lãi vào tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam của chính người gửi tiền.

 Đối với tiền gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ của công dân Việt Nam là người cư trú gửi từ tài khoản thanh toán của người gửi tiền, người gửi tiền và tổ chức tín dụng được thỏa thuận chi trả gốc bằng số tiền đã gửi và lãi tương ứng vào tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ của chính người gửi tiền

3 Đặc điểm và vai trò của tiền gửi tiết kiệm

3.1  Đặc điểm của tiền gửi tiết kiệm

 Đối tượng khách hàng: Cá nhân có tiền nhàn rỗi nhưng chưa có kế hoạch sử dụng số tiền này trong tương lai (Nguyễn Thị Mùi và cộng sự, 2004).

 Mục đích của người gửi tiền: an toàn, sinh lợi, tích lũy cho tương lai.

Lãi suất tiền gửi tiết kiệm được ấn định từ trước và cố định trong suốt thời gian gửi. Lãi suất tiết kiệm bao gồm hai loại đó là lãi suất có kỳ hạn (áp dụng với hình thức tiết kiệm có kỳ hạn) và lãi suất không kỳ hạn (áp dụng với tiết kiệm không kỳ hạn). Lãi suất tiền gửi không kỳ hạn sẽ thấp hơn so với lãi suất tiền gửi có kỳ hạn.

Phương thức trả lãi có sự linh hoạt, vì ngân hàng có thể thực hiện trả lãi tiền gửi cho khách hàng trước, sau hoặc định kỳ. Đến thời điểm đáo hạn, nếu khách hàng không đến ngân hàng để lĩnh lãi, thì khoản lãi đó sẽ được tự động nhập vào gốc và quay vòng thêm một kỳ hạn như kỳ hạn gửi tiết kiệm trước và áp dụng mức lãi suất quy định tại thời điểm quay vòng.

Khách hàng có thể sử dụng số dư trên tài khoản tiết kiệm để thế chấp hay cầm cố vay vốn tại các tổ chức tín dụng. Sổ tiết kiệm là một trong những vật dụng thường thấy của ngân hàng nhằm quản lý tài khoản tiết kiệm của bạn. Do đó khách hàng phải có trách nhiệm bảo quản số tiết kiệm theo đúng quy định của ngân hàng. Khách hàng cũng nên thường xuyên kiểm tra về các thông tin cá nhân, số tiền tiết kiệm ghi trên sổ để phòng tránh các trường hợp mất cắp.

3.2  Vai trò của tiền gửi tiết kiệm

Thứ nhất, tiền gửi tiết kiệm có vai trò quan trọng trong việc quyết định đến quy mô của hoạt động và quy mô tín dụng của ngân hàng. Thông thường nếu so với các ngân hàng lớn thì các ngân hàng nhỏ có khoản mục đầu tư và cho vay kém đa dạng hơn, phạm vi và khối lượng cho vay của các ngân hàng này cũng nhỏ hơn. Trong khi các ngân hàng lớn cho vay được ở thị trường trong nước, ngoài nước thì các ngân hàng nhỏ lại bị giới hạn trong phạm vi hẹp, mà chủ yếu trong cộng đồng. Mặt khác do khả năng vốn hạn hẹp nên các ngân hàng nhỏ không phản ứng nhạy bén được với sự biến động về chính sách, gây ảnh hưởng đến khả năng thu hút vốn đầu tư từ các tầng lớp dân cư và các thành phần kinh tế (Nguyễn Thị Mùi và cộng sự, 2004; Nguyễn Thị Thanh Huyền, 2014).

Thứ hai là tiền gửi tiết kiệm của KHCN quyết định đến khả năng thanh toán và đảm bảo uy tín của các ngân hàng trên thị trường trong nền kinh tế. Để tồn tại và ngày càng mở rộng quy mô hoạt động, đòi hỏi ngân hàng phải có uy tín trên thị trường là điều trọng yếu. Uy tín đó trước hết phải được thể hiện ở khả năng sẵn sàng thanh toán chi trả cho khách hàng, khả năng thanh toán của ngân hàng càng cao thì vốn khả dụng của ngân hàng càng lớn, đồng thời với nó tạo cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng với quy mô lớn, tiến hành các hoạt động cạnh tranh có quan hệ, đảm bảo uy tín, nâng cao chất lượng của ngân hàng trên thị trường (Nguyễn Thị Mùi và cộng sự, 2004; Nguyễn Thị Thanh Huyền, 2014).

Bài viết Cơ sở lý luận về dịch vu tiền gửi tiết kiệm khách hàng cá nhân của ngân hàng thương mại. Qua bài viết hy vọng mang tới những kiến thức hữu ích nhất cho bạn đọc.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *