Bài viết sau đây được Tài liệu nghiên cứu giới thiệu về Dịch vụ thanh toán quốc tế của Ngân hàng thương mại
Mục lục
1. Khái niệm thanh toán quốc tế
Thanh toán quốc tế là việc thực hiện các nghĩa vụ chi trả và quyền hưởng lợi về tiền tệ phát sinh trên cơ sở các hoạt động kinh tế và phi kinh tế giữa các tổ chức, cá nhân nước này với tổ chức, cá nhân nước khác, hay giữa một quốc gia với tổ chức quốc tế, thông qua quan hệ giữa các ngân hàng của các nước liên quan.
Vậy thanh toán quốc tế phục vụ không chỉ cho các lĩnh vực hoạt động là kinh tế mà còn cả các hoạt động phi kinh tế. Tuy nhiên, giữa hai lĩnh vực hoạt động này thường giao thoa với nhau và không có ranh giới rõ rệt. Hơn nữa, do hoạt động thanh toán quốc tế được hình thành trên cơ sở hoạt động ngoại thương và phục vụ chủ yếu cho hoạt động ngoại thương, chính vì vậy, trong thực tế tại các NHTM, hoạt động thanh toán quốc tế thường được phân thành hai lĩnh vực rõ ràng là: Thanh toán trong ngoại thương (thanh toán mậu dịch) và Thanh toán phi ngoại thương (thanh toán phi mậu dịch).
Thanh toán quốc tế phát sinh trên cơ sở của hoạt động thương mại quốc tế, nó có tác dụng đòn bẩy làm cho thương mại quốc tế ngày càng phát triển, là yếu tố quan trọng để đánh giá hiệu quả hoạt động kinh tế đối ngoại, là mắt xích không thể thiếu trong dây chuyền hoạt động kinh tế quốc dân.
2. Đặc điểm của hoạt động thanh toán quốc tế
Khác với hoạt động thanh toán nội địa, trong quan hệ thanh toán quốc tế, không chỉ đòi hỏi các chủ thể tuân thủ những quy định pháp lý quốc gia, mà còn phải tuân thủ cả những quy định pháp lý, các hiệp ước, hiệp định quốc tế, cũng như tập quán và thông lệ ở mỗi nước có quan hệ đối tác.
Thanh toán quốc tế không những sử dụng nội tệ mà còn có sự tham gia của ngoại tệ vì việc thanh toán đã vượt ra ngoài phạm vi một quốc gia và liên quan tới ít nhất 2 quốc gia nên có tới 2 đồng tiền liên quan. Lựa chọn đồng tiền nào là một vấn đề quan trọng, vì không phải bất kỳ đồng tiền của nước nào cũng có khả năng thực hiện TTQT, mà đồng tiền đó phải “mạnh”, được các nước thừa nhận thực hiện trong hoạt động TTQT, tiếp đến lựa chọn đồng tiền nào để phù hợp với nội dung cụ thể của hoạt động TTQT, nhằm mang lại hiệu quả (thanh toán nhanh, hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất, đáp ứng được lợi ích của các bên….). Một số đồng tiền thường được lựa chọn sử dụng là USD, EUR, JPY, HKD…
Thanh toán quốc tế là giao dịch thanh toán thực hiện trên cơ sở hàng hoá xuất nhập khẩu, và cung ứng các dịch vụ thương mại cho nước ngoài theo giá cả thị trường quốc tế. Cơ sở để các bên tiến hành mua bán và thanh toán cho nhau là hợp đồng ngoại thương. Khi ký kết các hợp đồng thương mại, tín dụng, hay các dịch vụ, các bên đàm phán thường thống nhất về loại ngoại tệ được dùng trong giao dịch là đồng tiền của nước nhập khẩu, nước xuất khẩu hay nước thứ ba. Bên cạnh đó, việc quy định địa điểm thanh toán, thời gian thanh toán, phương thức và phương tiện thanh toán cũng là những phần không thể thiếu cấu thành nên hợp đồng ngoại thương. Lựa chọn các điều kiện thanh toán quốc tế sao cho thích hợp với từng thương vụ, mối quan hệ giữa các bên hợp đồng… sẽ góp phần hạn chế rủi ro trong thanh toán quốc tế. Theo đó, hệ thống các NHTM cũng sẽ đưa ra các hình thức thanh toán nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu của các nhà XNK.
Phần lớn việc chi trả trong TTQT được thực hiện thông qua điện tín, mạng SWIFT hoặc qua các uỷ nhiệm thu, chi hộ lẫn nhau giữa các ngân hàng. Do vậy tỉ lệ trả bằng tiền mặt trong TTQT chiếm một phần không đáng kể.
3. Các phương thức thanh toán quốc tế của ngân hàng thương mại
Phương thức TTQT là toàn bộ quá trình, điều kiện, qui định để người mua trả tiền và nhận hàng, còn người bán thì giao hàng và nhận tiền theo hợp đồng ngoại thương thông qua hệ thống ngân hàng phục vụ.
Trong quan hệ ngoại thương có rất nhiều phương thức thanh toán khác nhau như chuyển tiền, ghi sổ, nhờ thu, tín dụng chứng từ…Mỗi phương thức thanh toán đều có ưu điểm và nhược điểm, phù hợp với những quan hệ XNK khác nhau. Vì vậy việc lựa chọn phương thức thanh toán thích hợp phải được hai bên bàn bạc thống nhất, ghi trong hợp đồng mua bán ngoại thương.
Đến nay, các phương thức thanh toán cơ bản và phổ biến thường được các NHTM sử dụng là:
3.1. Phương thức chuyển tiền (Remittance)
Chuyển tiền là phương thức TTQT, trong đó một khách hàng (người có yêu cầu chuyển tiền) yêu cầu ngân hàng phục vụ mình chuyển một số tiền nhất định cho người khác (người hưởng lợi) theo một địa chỉ nhất định và trong một thời gian nhất định.
Phương thức thanh toán chuyển tiền có thể được thực hiện bằng hai hình thức chủ yếu sau:
– Chuyển tiền bằng thư (Mail transfer – M/T): là hình thức chuyển tiền trong đó lệnh thanh toán (Bank draft) của ngân hàng chuyển tiền được thể hiện trong nội dung một bức thư mà ngân hàng này gửi cho ngân hàng trả tiền qua bưu điện.
– Chuyển tiền bằng điện (Telegraphic Transfer – T/T): là hình thức trong đó lệnh thanh toán của ngân hàng chuyển tiền được thể hiện trong nội dung một bức điện gửi cho ngân hàng trả tiền qua telex hoặc thông qua mạng liên lạc viễn thông SWIFT.
Hình thức chuyển tiền bằng điện nhanh, nên có lợi cho nhà xuất khẩu, nhưng chi phí thì cao, còn hình thức chuyển tiền bằng thư thì chậm song chi phí lại thấp.
Các bên tham gia vào quy trình nghiệp vụ chuyển tiền:
– Người chuyển tiền: là người mua (nhà nhập khẩu.)
– Người hưởng lợi: là người bán (nhà xuất khẩu)
– Ngân hàng đại lý: là Ngân hàng bên người xuất khẩu.
– Ngân hàng chuyển tiền.
Sơ đồ quá trình thanh toán bằng chuyển tiền:
Bước (1): Người xuất khẩu thực hiện giao hàng theo hợp đồng, đồng thời chuyển giao bộ chứng từ như: hóa đơn, vận đơn, bảo hiểm đơn… cho nhà nhập khẩu
Bước (2): Sau khi kiểm tra bộ chứng từ (hoặc hàng hóa), nếu quyết định trả tiền thì nhà nhập khẩu viết lệnh chuyển tiền (bằng M/T hay T/T) gửi ngân hàng phục vụ mình.
Bước (3): Sau khi kiểm tra chứng từ và các điều kiện chuyển tiền, nếu thấy hợp lệ và đủ khả năng thanh toán, ngân hàng thực hiện trích tài khoản để chuyển tiền và gửi giấy báo Nợ cho nhà nhập khẩu.
Bước (4): Ngân hàng chuyển tiền ra lệnh (bằng M/T hay T/T theo yêu cầu của người chuyển tiền) cho ngân hàng đại lý (ngân hàng trả tiền) để chuyển trả cho người thụ hưởng.
Bước (5): Ngân hàng trả tiền ghi Có vào tài khoản của người thụ hưởng đồng thời gửi báo Có cho người thụ hưởng.
Ưu nhược điểm của phương thức chuyển tiền
Như vậy, thanh toán chuyển tiền là hình thức thanh toán trực tiếp giữa người chuyển tiền và người nhận tiền. Ngân hàng chỉ đóng vai trò trung gian thanh toán theo uỷ nhiệm để được hưởng hoa hồng và không bị ràng buộc gì cả đối với cả người người chuyển tiền và người thụ hưởng.
3.2. Phương thức nhờ thu (Collections)
Nhờ thu là một phương thức thanh toán, theo đó, bên bán (nhà xuất khẩu) sau khi hoàn thành nghĩa vụ giao hàng hoặc cung ứng một dịch vụ cho khách hàng, uỷ thác cho ngân hàng phục vụ mình xuất trình bộ chứng từ thông qua ngân hàng đại lý cho bên mua (nhà nhập khẩu) để được thanh toán, chấp nhận hối phiếu hay chấp nhận các điều kiện và điều khoản khác.
Trong phương thức nhờ thu, các ngân hàng tham gia vào quá trình thanh toán sâu rộng và toàn diện hơn so với phương thức chuyển tiền. Mức độ tham gia của các ngân hàng vào quá trình nhờ thu phụ thuộc hoàn toàn vào nội dung các chỉ thị và những gì (chứng từ) mà người bán uỷ quyền cho ngân hàng phục vụ mình thu hộ.
Các loại nhờ thu và qui trình nghiệp vụ
Căn cứ vào nội dung chứng từ được gửi đến ngân hàng nhờ thu mà người ta chia phương thức thanh toán này ra thành hai loại:
– Nhờ thu phiếu trơn (Clean collection): Là phương thức thanh toán, trong đó chứng từ nhờ thu chỉ bao gồm chứng từ tài chính (hối phiếu, kỳ phiếu, séc, hoặc các phương tiện tương tự khác sử dụng trong việc chi trả, thanh toán tiền), còn các chứng từ thương mại (chứng từ vận tải, hoá đơn, các chứng từ có tiêu đề hoặc các chứng từ tương tự khác, hoặc bất kỳ chứng từ nào không phải là chứng từ tài chính) được gửi trực tiếp cho người nhập khẩu, không thông qua ngân hàng.
Chú thích:
(0) Ký kết hợp đồng mua bán, trong đó điều khoản thanh toán quy định áp dụng phương thức “Nhờ thu phiếu trơn”
(1) Người ủy thác (nhà xuất khẩu) gửi hàng hóa và bộ chứng từ thương mại trực tiếp cho Người trả tiền (nhà nhập khẩu)
(2) Người xuất khẩu gửi Đơn yêu cầu nhờ thu gửi cùng chứng từ tài chính cho Ngân hàng nhờ thu để thu tiền từ nhà nhập khẩu.
(3) Ngân hàng nhờ thu lập và gửi Lệnh nhờ thu cùng chứng từ tài chính tới Ngân hàng thụ hưởng để thu tiền từ nhà nhập khẩu.
(4) Ngân hàng thụ hưởng thông báo Lệnh nhờ thu để nhà nhập khẩu:
– Trả tiền ngay (séc, kỳ phiếu hay hối phiếu trả ngay); hoặc
– Ký chấp nhận hối phiếu (hối phiếu kỳ hạn); hoặc
– Chấp nhận các điều kiện và điều khoản khác.
(5) Nhà nhập khẩu trả tiền ngay hoặc chấp nhận trả tiền.
(6) Ngân hàng thụ hưởng chuyển giá trị nhờ thu, hoặc hối phiếu kỳ hạn đã chấp nhận cho Ngân hàng nhờ thu.
(7) Ngân hàng nhờ thu chuyển trả giá trị nhờ thu, hoặc hối phiếu kỳ hạn đã chấp nhận cho nhà xuất khẩu.
Phương pháp này chỉ áp dụng khi người bán và người mua tin cậy lẫn nhau và có quan hệ chi nhánh hoặc liên doanh với nhau, hoặc chỉ dùng thanh toán phụ phí liên quan đến xuất nhập khẩu mà không cần đến chứng từ kèm theo như : phí vận tải, tiền phạt… Phương thức này không tạo ra đảm bảo cho người bán vì người mua có thể nhận hàng mà trì hoãn trả tiền, hoặc phải trả tiền mà không chắc chắn có nhận được hàng hay không trong trường hợp chứng từ đòi tiền đến trước hàng hoá.
– Nhờ thu kèm chứng từ: Là phương thức thanh toán, trong đó chứng từ gửi đi nhờ thu bao gồm:
(i) hoặc chứng từ thương mại cùng chứng từ tài chính; hoặc
(ii) chỉ chứng từ thương mại (không có chứng từ tài chính).
Ngân hàng thu hộ chỉ trao bộ chứng từ cho Người trả tiền sau khi người này đã trả tiền, chấp nhận thanh toán hoặc thực hiện các điều kiện khác quy định trong Lệnh nhờ thu.
Nhờ thu kèm chứng từ mang lại lợi thế cho người mua. Nó an toàn hơn cho người bán, khống chế được việc nhận hàng mà không trả tiền nhưng lại không ngăn được việc họ từ chối hàng hoá và từ chối trả tiền. Lúc đó các chi phí vận chuyển, lưu kho phát sinh sẽ là rủi ro cho người bán. Mặt khác nảy sinh từ việc trì hoãn nhận hàng và trả tiền của người mua gây thiếu vốn lưu động cho nhà sản xuất.
Chú thích:
(0) Ký kết hợp đồng mua bán, trong đó điều khoản thanh toán quy định áp dụng phương thức “Nhờ thu kèm chứng từ”
(1) Người xuất khẩu giao hàng cho người nhập khẩu theo quy định của hợp đồng.
(2) Người xuất khẩu lập đơn yêu cầu nhờ thu gửi cùng bộ chứng từ (bao gồm chứng từ thương mại cùng chứng từ tài chính, nếu có) tới Ngân hàng thụ hưởng
(3) Ngân hàng nhờ thu lập Lệnh nhờ thu và gửi cùng bộ chứng từ đến Ngân hàng thụ hưởng.
(4) Ngân hàng thụ hưởng thông báo Lệnh nhờ thu và xuất trình bộ chứng từ cho người nhập khẩu.
(5) Người nhập khẩu chấp hành Lệnh nhờ thu
(6) Ngân hàng thụ hưởng trao bộ chứng từ thương mại cho người nhập khẩu.
(7) Ngân hàng thụ hưởng chuyển giá trị nhờ thu, hoặc hối phiếu chấp nhận, hoặc kỳ phiếu hay giấy nhận nợ cho Ngân hàng nhờ thu.
(8) Ngân hàng nhờ thu chuyển trả giá trị nhờ thu, hoặc hối phiếu chấp nhận, hoặc kỳ phiếu hay giấy nhận nợ cho người xuất khẩu.
So với phương thức thanh toán nhờ thu trơn, thì nhờ thu kèm chứng từ đảm bảo quyền lợi cho người xuất khẩu hơn vì đã có sự ràng buộc chặt chẽ giữa việc thanh toán và nhận hàng. Ngân hàng không chỉ là trung gian thu hộ đơn thuần, mà còn tham gia khống chế bộ chứng từ trong thanh toán.
3.3. Phương thức tín dụng chứng từ
Phương thức tín dụng chứng từ là một sự thoả thuận, trong đó, theo yêu cầu của khách hàng (người yêu cầu mở thư tín dụng) một ngân hàng (ngân hàng phát hành thư tín dụng) sẽ phát hành một bức thư, gọi là thư tín dụng (Letter of credit), theo đó, ngân hàng phát hành cam kết trả tiền hoặc chấp nhận hối phiếu cho một bên thứ ba (người thụ hưởng L/C) khi người này xuất trình cho ngân hàng phát hành một bộ chứng từ thanh toán phù hợp với những điều kiện và điều khoản quy định của L/C.
Trong phương thức chuyển tiền, ngân hàng đơn thuần chỉ thực hiện chức năng chuyển tiền theo yêu cầu của người mua và nhận tiền hộ người bán. Trong nhờ thu, các ngân hàng tham gia xử lý chứng từ do người bán gửi đến và hành động với vai trò là đại lý của người bán. Tuy nhiên, trong phương thức tín dụng chứng từ, các ngân hàng đã tham gia chủ động và tích cực hơn nhiều, theo đó các ngân hàng thực hiện trả tiền theo cam kết của mình.
Quy trình thanh toán:
Bước 1: Hai bên mua bán ký kết hợp đồng ngoại thương với điều khoản thanh toán theo phương thức L/C
Bước 2: Trên cơ sở các điều khoản và điều kiện của hợp đồng ngoại thương, nhà nhập khẩu làm đơn theo mẫu gửi đến ngân hàng phục vụ mình yêu cầu phát hành một L/C cho người xuất khẩu hưởng.
Bước 3: Căn cứ vào đơn xin mở L/C, nếu đồng ý, NHPH lập L/C và thông qua ngân hàng đại lý của mình ở nước nhà xuất khẩu để thông báo về việc phát hành L/C và chuyển L/C đến người xuất khẩu.
Bước 4: Khi nhận được thông báo L/C, NHTB sẽ thông báo L/C cho nhà xuất khẩu
Bước 5: Nhà xuất khẩu nếu chấp nhận L/C thì tiến hành giao hàng, nếu không thì đề nghị người nhập khẩu thông qua NHPH sửa đổi, bổ sung L/C cho phù hợp với hợp đồng ngoại thương.
Bước 6: Sau khi giao hàng, nhà XK lập bộ chứng từ theo yêu cầu của L/C và xuất trình (thông qua một NH khác) cho NHPH để thanh toán.
Bước 7: NHPH sau khi kiểm tra bộ chứng từ, nếu thấy phù hợp với L/C do mình phát hành thì tiến hành thanh toán cho nhà xuất khẩu; nếu thấy không phù hợp, thì từ chối thanh toán và gửi trả lại toàn bộ và nguyên vẹn bộ chứng từ cho nhà xuất khẩu.
Bước 8: NHPH đòi tiền nhà nhập khẩu và chuyển bộ chứng từ cho nhà nhập khẩu sau khi đã nhận được tiền hoặc chấp nhận thanh toán.
Bước 9: Nhà nhập khẩu kiểm tra bộ chứng từ, nếu thấy phù hợp với L/C thì trả tiền hoặc chấp nhận trả tiền, nếu thấy không phù hợp thì có quyền từ chối trả tiền
Bài viết Dịch vụ thanh toán quốc tế của Ngân hàng thương mại. Qua bài viết hy vọng mang tới những kiến thức hữu ích nhất cho bạn đọc.