Bài viết sau đây được Tài liệu nghiên cứu giới thiệu về Phát triển cho vay khách hàng cá nhân của ngân hàng thương mại
Mục lục
- 1. Khái niệm phát triển cho vay khách hàng cá nhân của ngân hàng thương mại
- 2. Các chỉ tiêu đo lường phát triển cho vay khách hàng cá nhân của ngân hàng thương mại
- 3. Các nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển hoạt động cho vay khách hàng cá nhân của ngân hàng thương mại
- 4. Vai trò của phát triển hoạt động cho vay khách hàng cá nhân trong ngân hàng thương mại
1. Khái niệm phát triển cho vay khách hàng cá nhân của ngân hàng thương mại
Phát triển cho vay KHCN là sự gia tăng về doanh số và dư nợ cho vay khách hàng cá nhân trong tổng cơ cấu khách hàng cho vay, đồng thời tăng về số lượng các dịch vụ cung cấp, mạng lưới hoạt động và các tiện ích sản phẩm; nâng cao chất lượng của từng loại hình dịch vụ.
Có 3 phương thức phát triển cho vay khách hàng cá nhân:
– Phát triển sản phẩm: Nâng cao chất lượng dịch vụ cho vay khách hàng cá nhân, đa dạng hóa dịch vụ cho vay khách hàng cá nhân với cơ cấu hợp lý và tính cạnh tranh cao.
– Phát triển kênh phân phối: bao gồm phát triển kênh phân phối hiện đại và kênh phân phối truyền thống.
– Phát triển thị trường: phát triển thị trường theo chiều rộng và chiều sâu.
(Nguồn: Nguyễn, H. H. (2019). Phát triển hoạt động cho vay khách hàng cá nhân tại Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thương tín – Chi nhánh Hà Nội , Đại học Quốc gia Hà Nội, Việt Nam)
2. Các chỉ tiêu đo lường phát triển cho vay khách hàng cá nhân của ngân hàng thương mại
Đối với các Ngân hàng thương mại, phát triển cho vay có vai trò quan trọng trong phát triển hoạt động kinh doanh của Ngân hàng. Nhận thức được tầm quan trọng của p h á t t r i ể n hoạt động tín dụng, mỗi Ngân hàng phải tìm biện pháp nâng cao chất lượng đối với các khoản cho vay của mình. Thực tế chất lượng tín dụng là một khái niệm tương đối và không có một chỉ tiêu tổng hợp nào có thể phản ánh nó một cách chính xác, thông thường để đánh giá phát triển hoạt động tín dụng của một Ngân hàng thương mại, người ta dùng một tập hợp các chỉ tiêu khác nhau, nhưng về cơ bản chất lượng tín dụng của một Ngân hàng thương mại được đánh giá qua các chỉ tiêu sau:
a. Chỉ tiêu định tính
Ngân hàng cần tạo được ấn tượng đầu tiên tốt đẹp trong lòng khách hàng, cho khách hàng cảm giác an tâm khi đến giao dịch với Ngân hàng. Ngân hàng phải có bảo vệ, có bãi gửi xe; nhân viên Ngân hàng cư xử lịch sự, đón tiếp niềm nở, tận tình, chu đáo…. Nếu Ngân hàng có sơ đồ làm việc của các phòng ban sẽ giúp khách hàng không bị bỡ ngỡ và đỡ tốn thời gian.
Cách bố trí sắp xếp trong phòng làm việc của Ngân hàng, trang phục của nhân viên, đặc biệt là thái độ của cán bộ tín dụng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng tín dụng của Ngân hàng. nếu chất lượng tín dụng cao thì chắc chắn Ngân hàng sẽ có nhiều khách mới.
Uy tín của Ngân hàng cũng góp phần tạo nên chất lượng tín dụng cho Ngân hàng. Như vậy, qua các chỉ tiêu định tính đã phần nào biểu hiện được chất lượng tín dụng của Ngân hàng thương mại.
b. Chỉ tiêu định lượng
– Doanh số cho vay và tổng dư nợ
Doanh số cho vay phản ánh khối lượng tín dụng tài trợ trong một thời kỳ nhất định, thường là 1 năm.Tổng dư nợ là một chỉ tiêu phản ánh khối lượng tiền Ngân hàng cấp cho nền kinh tế tại một thời điểm. Tổng dư nợ bao gồm dư nợ cho vay ngắn, trung và dài hạn. Doanh số cho vay và tổng dư nợ thấp chứng tỏ hoạt động Ngân hàng yếu kém, khả năng tiếp thị của Ngân hàng kém. Tuy nhiên không phải chỉ tiêu này càng cao thì chất lượng tín dụng của Ngân hàng càng cao bởi lẽ đằng sau những khoản tín dụng đó còn những rủi ro tín dụng mà Ngân hàng phải chịu.
– Hệ số sử dụng vốn vay
Hệ số sử dụng vốn vay = Tổng dư nợ/ Tổng nguồn vốn huy động
Hệ số này phản ánh kết quả sử dụng nguồn vốn để đầu tư của Ngân hàng thương mại. hệ số này luôn nhỏ hơn 1. Nếu hệ số sử dụng vốn gần bằng 1 thì Ngân hàng thương mại phải chú ý tăng trưởng nguồn vốn để đề phòng mất khả năng thanh toán. Nếu hệ số sử dụng vốn vay mà quá thấp thì chứng tỏ chất lượng tín dụng của Ngân hàng thấp, Ngân hàng mất uy tín đối với khách hàng. Ngân hàng phải điều chỉnh các hệ số này phù hợp, vừa đảm bảo tận dụng được nguồn vốn, vừa đảm bảo an toàn trong khả năng thanh toán.
– Chỉ tiêu tỉ lệ nợ quá hạn- nợ xấu
Tỷ lệ nợ quá hạn = Nợ quá hạn / Tổng dư nợ
Nợ quá hạn là hiện tượng phát sinh từ mối quan hệ tín dụng không hoàn hảo khi người đi vay không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ của mình cho Ngân hàng đúng hạn.
Xét về mặt bản chất, tín dụng là sự hoàn trả, do đó tính an toàn là yếu tố quan trọng bậc nhất để cấu thành chất lượng tín dụng. Khi một khoản vay không được trả đúng hạn như đã cam kết thì nó sẽ bị chuyển sang nợ quá hạn với lãi suất cao hơn lãi suất bình thường. Trên thực tế, những khoản nợ quá hạn là những khoản nợ có độ rủi ro rất cao, Ngân hàng rất dễ bị mất vốn. chính vì vậy, tỷ lệ nợ quá hạn mà càng cao thì hoạt động tín dụng của Ngân hàng có độ rủi ro càng cao, Ngân hàng càng gặp khó khăn trong kinh doanh, như vậy chất lượng tín dụng của Ngân hàng càng thấp.
Tỷ lệ nợ xấu = Nợ xấu / Tổng dư nợ .
Nợ của NHTM được chia thành 5 nhóm nợ như sau:
Nhóm 1 (Nợ đủ tiêu chuẩn):
+ Các khoản nợ trong hạn và tổ chức tín dụng đánh giá là có khả năng thu hồi đầy đủ cả gốc và lãi đúng hạn;
+ Các khoản nợ quá hạn dưới 10 ngày và tổ chức tín dụng đánh giá là có khả năng thu hồi đầy đủ gốc và lãi bị quá hạn và thu hồi đầy đủ gốc và lãi đúng thời hạn còn lại.
Nhóm 2 (Nợ cần chú ý) bao gồm:
+ Các khoản nợ quá hạn từ 10 ngày đến 90 ngày;
+ Các khoản nợ điều chỉnh kỳ hạn trả nợ lần đầu (đối với khách hàng là doanh nghiệp, tổ chức thì tổ chức tín dụng phải có hồ sơ đánh giá khách hàng về khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và lãi đúng kỳ hạn được điều chỉnh lần đầu).
Nhóm 3 (Nợ dưới tiêu chuẩn) bao gồm:
+ Các khoản nợ quá hạn từ 91 ngày đến 180 ngày;
+ Các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu, trừ các khoản nợ điều chỉnh kỳ hạn trả nợ lần đầu phân loại vào nhóm 2.
+ Các khoản nợ được miễn hoặc giảm lãi do khách hàng không đủ khả năng trả lãi đầy đủ theo hợp đồng tín dụng – Nhóm 4 (Nợ nghi ngờ) bao gồm:
+ Các khoản nợ quá hạn từ 181 ngày đến 360 ngày;
+ Các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn dưới 90 ngày theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần đầu;
+ Các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai. Nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn) bao gồm:
+ Các khoản nợ quá hạn trên 360 ngày;
+ Các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn từ 90 ngày trở lên theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần đầu;
+ Các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai quá hạn theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần thứ hai;
+ Các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ ba trở lên, kể cả chưa bị quá hạn hoặc đã quá hạn;
Các khoản nợ khoanh, nợ chờ xử lý;
Nợ xấu là các khoản nợ thuộc nhóm 3, 4 và 5. Tỷ lệ nợ xấu cho biết trong 100 đồng tổng dư nợ có bao nhiêu đồng là nợ xấu. Nợ xấu phản ánh khả năng thu hồi vốn khó khăn, vốn của ngân hàng lúc này không còn ở mức độ rủi ro thông thường nữa mà là nguy cơ mất vốn. Với các khoản nợ xấu, tổ chức tín dụng phải thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cho từng nhóm nợ cụ thể. Do vậy làm tăng chi phí và làm giảm lợi nhuận của ngân hàng.
Chỉ tiêu này phản ánh số vòng quay tín dụng trong một thời gian nhất định. Vòng quay vốn tín dụng lớn chứng tỏ vốn Ngân hàng đã luân chuyển nhanh tham gia nhiều vào quá trình sản xuất kinh doanh và lưu thông hàng hoá. Với số lượng vốn nhất định nhưng nếu tốc độ quay vòng vốn càng nhanh thì lượng vốn đó sẽ được đem ra sử dụng càng nhiều vì vậy hiệu quả sử dụng vốn càng cao, do đó chất lượng tín dụng càng cao.
– Chỉ tiêu lợi nhuận thu được từ hoạt động tín dụng Ngân hàng thương mại hoạt động với mục đích quan trọng nhất là lợi nhuận. chỉ tiêu này chỉ ra trong tổng thu nhập của Ngân hàng thì phần đóng góp này là bao nhiêu. lợi nhuận thu được từ hoạt động tín dụng càng lớn khẳng định chất lượng tín dụng càng cao.
Tuy nhiên các chỉ tiêu khi đánh giá chất lượng tín dụng chỉ phản ánh chất lượng tín dụng trên một khía cạnh. Muốn đánh giá chất lượng tín dụng một cách chính xác nhất chúng ta cần phải sử dụng kết hợp các chỉ tiêu này.
Như vậy, đánh giá chất lượng tín dụng của Ngân hàng không chỉ dựa trên một chỉ tiêu nào đó mà phải dựa vào tất cả các chỉ tiêu thì mới có được đánh giá toàn diện hiệu quả, chính xác. Đồng thời phải so sánh giữa các thời kì với nhau, có thể là kì kế hoạch hoặc kì gốc theo chỉ tiêu ngành,… kết hợp với việc phân tích đinh lượng từ đó mới có thể đưa ra các lời nhận xét chính xác về chất lượng tín dụng, sự phát triển quy mô khách hàng của Ngân hàng là hiệu quả hay không, chất lượng tốt hay xấu.
3. Các nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển hoạt động cho vay khách hàng cá nhân của ngân hàng thương mại
3.1. Các nhân tố chủ quan
– Chính sách tín dụng
Chính sách tín dụng là một hệ thống các biện pháp nhằm phát triển hay hạn chế tín dụng, để đảm bảo mục tiêu kinh doanh của mỗi ngân hàng. Chính sách tín dụng là “kim chỉ nam” đảm bảo cho hoạt động tín dụng trên cơ sở hạn chế rủi ro, tuân thủ phương pháp, đường lối chính sách của nhà nước và đảm bảo công bằng xã hội. Điều đó cũng có nghĩa là chất lượng tín dụng tùy thuộc vào việc xây dựng chính sách tín dụng của ngân hàng có đúng đắn không. Bất cứ ngân hàng nào muốn có chất lượng tín dụng tốt đều phải có chính sách tín dụng khoa học phù hợp với thực tế của ngân hàng cũng như của thị trường.
– Quy trình tín dụng
Quy trình tín dụng là bảng tổng hợp mô tả công việc của ngân hàng từ khi tiếp nhận hồ sơ vay vốn của một khách hàng cho đến khi quyết định cho vay, giải ngân, thu nợ và thanh lý hợp đồng tín dụng. Đây là một nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động nâng cao chất lượng tín dụng, nếu ngân hàng có một quy trình tín dụng chặt chẽ, hiệu quả sẽ giúp ngân hàng vừa dễ dàng thu hút khách hàng từ đó phát triển hoạt động tín dụng, vừa giảm được tỉ lệ nợ xấu, cũng như đánh giá được khả năng trả nợ của khách hàng.
– Cơ cấu tổ chức của ngân hàng
Cơ cấu tổ chức của ngân hàng có ảnh hưởng trực tiếp đến chiến lược phát triển hoạt động tín dụng của ngân hàng. Cơ cấu của ngân hàng bao gồm hệ thống tổ chức, chức năng nhiệm vụ của từng phòng ban, mạng lưới hoạt động của ngân hàng. Hệ thống tổ chức nếu được thực hiện theo cơ cấu phù hợp thì việc định hướng, triển khai và đánh giá thực trạng hoạt động của ngân hàng trở nên hiệu quả hơn. Đặc biệt đối với hoạt động bán lẻ của ngân hàng, hệ thống ngân hàng nói chung cần xây dựng một cơ cấu tổ chức phù hợp. Một cơ cấu hợp lý sẽ giúp ngân hàng tập trung vào các vấn đề chiến lược, xác định rõ các kênh hoạt động, phân định rõ giữa bộ máy quản lý trực tiếp và các mối quan hệ chức năng, triển khai mọi hoạt động nhằm hướng tới việc phục vụ khách hàng một cách hiệu quả hơn, giúp cho việc phát triển tín dụng được đảm bảo và chất lượng.
– Công nghệ thông tin
Trong xu thế hiện nay, công nghệ thông tin ngày càng có vị trí quan trọng trong các hoạt động kinh tế nói chung và hoạt động ngân hàng nói riêng. Công nghệ thông tin có thể đem lại những lợi ích to lớn và sức cạnh tranh trong các NHTM: cập nhật, thu thập, xử lý và phân tích thông tin nhanh hơn, giúp đơn giản hóa các quá trình làm việc, giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhờ có công nghệ thông tin ngân hàng có thể lưu trữ được một số sản phẩm lớn các hồ sơ tín dụng thuận tiện cho việc truy cập và khai thác thông tin này. Đồng thời khách hàng cũng có thể ngồi tại nhà hay bất cứ đâu để nộp đơn xin vay vào một ngân hàng cũng như tiếp cận các dịch vụ khác của ngân hàng mà không phải trực tiếp đến ngân hàng. Hiện nay, khách hàng có thể thực hiện các giao dịch dễ dàng qua hệ thống Internet, tin nhắn SMS…
– Hoạt động marketing:
Đây là hoạt động rất quan trọng nhằm thu hút khách hàng cá nhân sử dụng dịch vụ của ngân hàng. Nếu như ngân hàng tổ chức tốt hoạt động marketing thì thương hiệu, uy tín của NHTM cũng sẽ gia tăng. Trên cơ sở này, ngân hàng có thể gia tăng số lượng khách hàng, gia tăng thị phần của mình.
3.2. Các nhân tố khách quan
– Khách hàng vay cá nhân
Nhu cầu vay của người đi vay: khách hàng của dịch vụ cho vay KHCN là các cá nhân và hộ gia đình có nhu cầu rất đa dạng, từ các nhu cầu thiết yếu đến nhu cầu cao cấp. Đời sống con người ngày càng được nâng cao thì các nhu cầu về hàng hóa cao cấp càng lớn. Tuy nhiên, tùy từng giai đoạn phát triển sẽ xuất hiện các nhu cầu nổi bật cần được tài trợ. Vấn đề là phải phát hiện được những nhu cầu nhanh nhất để đáp ứng kịp thời. Sản phẩm cho vay khách hàng cá nhân là sản phẩm mang tính dịch vụ nên nhu cầu của khách hàng là yếu tố quyết định các hình thức cho vay cá nhân của NHTM.
– Thu nhập của người đi vay: thu nhập của người đi vay quyết định đến nhu cầu vay vốn của họ. Người ta chỉ có nhu cầu vay tiền ngân hàng để phục vụ chi tiêu khi mà thu nhập dự kiến trong tương lai của họ có khả năng thanh toán khoản nợ đó. Nói cách khác, triển vọng về thu nhập sẽ là một trong những cơ sở phát sinh nhu cầu vay vốn.
– Trình độ văn hóa: bên cạnh yếu tố thu nhập thì trình độ văn hóa cũng có những ảnh hưởng quan trọng tới hoạt động cho vay cá nhân. Nó ảnh hưởng tới đặc điểm, đạo đức của người vay, đây là yếu tố quyết định đến hành vi trả nợ. Vì ngay cả khi khách hàng chứng minh được tính khả thi của nguồn trả nợ nhưng đạo đức của khách hàng lại không tốt thì khi thu hồi nợ là cả vấn đề đối với ngân hàng.
– Môi trường pháp lý
Mọi thành phần hoạt động trong nền kinh tế đều chịu sự chi phối của pháp luật. Lĩnh vực cho vay cá nhân của ngân hàng chịu sự điều chỉnh chặt chẽ của các quy định của nhà nước, luật các tổ chức tín dụng, luật dân sự và các quy định khác. Môi trường pháp lý sẽ đem đến cho ngân hàng một loạt cơ hội mới và không ít thách thức mới, như việc dỡ bỏ các hạn chế về hoạt động tín dụng sẽ cho phép các ngân hàng nước ngoài có thể tung sản phẩm dịch vụ bằng nội tệ với chi phí rẻ hơn rất nhiều.
– Môi trường kinh tế, chính trị, xã hội
Môi trường kinh tế thể hiện thông qua những biến số kinh tế như thu nhập quốc dân (GDP), tốc độ tăng trưởng thu nhập, quốc dân, mức thu nhập bình quân đầu người, tỷ lệ thất nghiệp. Những cuộc suy thoái kinh tế với các biến số kinh tế về tình trạng thê thảm sẽ gây mất lòng tin nghiêm trọng của người dân về triển vọng thu nhập của mình, do đó nhu cầu về tín dụng cá nhân sẽ bị giảm sút. Ngược lại, khi các biến số kinh tế đều biến động tốt sẽ có tác động tích cực tới nhu cầu của người dân. Môi trường văn hóa xã hội thể hiện ở các tập quán xã hội, bản sắc dân tộc, tâm lý tiêu dùng giữa các vùng miền và văn hóa cộng đồng.
4. Vai trò của phát triển hoạt động cho vay khách hàng cá nhân trong ngân hàng thương mại
– Đối với khách hàng
Khi nền kinh tế ngày càng phát triển, con người cũng nâng cao hơn về nhu cầu cuộc sống hằng ngày, bắt đầu từ nhu cầu cơ bản là những hàng hóa thiết yếu rồi đền những nhu cầu cao hơn như giải trí, địa vị xã hội, được tôn trọng, được vinh danh…Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể đáp ứng được những mong muốn của bản thân vì những nhu cầu đó lại phụ thuộc vào khả năng thanh toán hiện tại.
Chính vì vậy, ở một mức độ nào đó tín dụng KHCN giúp cho các khách hàng linh hoạt hơn trong việc giải quyết vấn đề thỏa mãn nhu cầu bản thân. Thay vì phải tích lũy đủ vốn ở hiện tại để thực hiện kế hoạch của bản thân, người tiêu dùng sẽ phối hợp giữa thỏa mãn nhu cầu ở hiện tại với khả năng thanh toán ở hiện tại và tương lai. Nghĩa là họ sẽ tiêu dùng trước bằng cách vay vốn ngân hàng rồi tích lũy và hoàn trả lại sau cho ngân hàng.
Vai trò này hết sức có ý nghĩa với các KHCN, đặc biệt là giới trẻ họ có thể mua các hàng hóa thiết yếu có giá trị cao như nhà cửa, xe ô tô, hay chi tiêu cấp bách như ốm đau, bệnh tật, cưới hỏi… trong những trường hợp này, ngân hàng sẽ là sự lựa chọn tuyệt vời với lãi suất và thời hạn vay hợp lý. Tuy nhiên, nếu lạm dụng đi vay để tiêu dùng thì nó sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiết kiệm và gặp khó khăn trong tương lai.
Ngoài ra phát triển tín dụng cá nhân là một kênh các NHTM tài trợ vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh cho các hộ gia đình giúp họ có điều kiện sản xuất. Với điều kiện cấp tín dụng đơn giản hơn so với doanh nghiệp, tín dụng cá nhân phù hợp với hình thức kinh doanh nhỏ lẻ, phù hợp với đặc tính và tập quán kinh doanh của đối tượng này. Từ đó tạo động lực cho các hộ gia đình kinh doanh nhỏ lẻ mạnh dạn phát triển kinh doanh, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
– Đối với ngân hàng
Đầu tiên là góp phần nâng cao thương hiệu cho ngân hàng. Do có đối tượng rất rộng nên việc phát triển tín dụng cá nhân sẽ giúp hình ảnh thương hiệu của ngân hàng sẽ được phổ biến rộng khắp thông qua tín dụng cá nhân. Bên cạnh việc cấp tín dụng cho KHCN, ngân hàng còn có thể bán chéo các sản phẩm dịch vụ ngân hàng bán lẻ như: tiền gửi tiết kiệm, giao dịch thanh toán, phát hành- thanh toán thẻ, dịch vụ ngân hàng điện tử…
Thứ hai là góp phần phân tán rủi ro cho ngân hàng. Nếu ngân hàng chỉ tập trung cho vay các khách hàng doanh nghiệp có nhu cầu vốn lớn, vì một lý do nào đó mà hoạt động kinh doanh của các khách hàng doanh nghiệp này gặp khó khăn gây ảnh hưởng đến khả năng trả nợ, làm hoạt động kinh doanh của ngân hàng gặp trở ngại và gây ra thiệt hại rất lớn đến ngân hàng. Do vậy, với nguyên tắc “tránh để tất cả trứng vào một rổ”, các ngân hàng phát triển tín dụng cá nhân như một sự phân tán rủi ro vì với số lượng khách hàng lớn, số tiền vay ít thì khi có một khách hàng hoặc một số ít khách hàng gặp rủi ro dẫn đến không có khả năng trả nợ thì ít gây ảnh hưởng đến tình hình hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Bài viết Phát triển cho vay khách hàng cá nhân của ngân hàng thương mại. Qua bài viết hy vọng mang tới những kiến thức hữu ích nhất cho bạn đọc.